Sống đạo hôm nay : SỐNG NĂM THÁNH – VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ

Sống đạo hôm nay :      SỐNG NĂM THÁNH – VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ

(tiếp)

III. GIÁO PHẬN SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ

Năm Thánh là cơ hội thuận lợi thúc đẩy chúng ta canh tân đời sống đức tin. Con đường đổi mới này phải ngang qua Thánh Thể, bởi vì: «Mọi cam kết nên thánh… phải múc lấy sức mạnh cần thiết từ mầu nhiệm Thánh Thể và quy hướng về mầu nhiệm đó như là tột đỉnh của mình…» Trọn chương trình mục vụ của Giáo Phận được đặt trong viễn tượng của “sự thánh thiện”, khi làm cho Năm Thánh này hoàn toàn thấm nhuần trong linh đạo Thánh Thể. Bí tích làm cho chúng ta trở thành những người thánh và không thể nào có sự thánh thiện mà không được hòa nhập vào trong đời sống Thánh Thể: «Ai ăn Thịt Ta thì sẽ sống nhờ Ta» (Ga 6,57).

Mỗi Giáo xứ cần tổ chức việc cử hành Thánh lễ trong bầu khí tràn đầy đức tin và ân sủng. Mỗi người và mỗi gia đình cần nỗ lực thực hiện một linh đạo Thánh Thể toàn vẹn nghĩa là không chỉ dừng lại ở việc siêng năng dự lễ và thực hiện lòng tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ cách ý thức, mà còn để cho Nhiệm tích Thánh Thể nuôi sống và định hướng cuộc đời ta, uốn nắn ta sống những đòi hỏi của một Kitô hữu như là một «việc tôn thờ thiêng liêng» (x. Rm 12,1). «Không có việc vun trồng một “linh đạo phụng vụ”, thì hành động phụng vụ dễ dàng bị rút gọn về một thứ như là “cử hành hình thức” và làm vô ích ân sủng phát sinh từ việc cử hành».

Vì Thánh Thể trên hết không phải là “chủ đề” được bàn luận, mà là “con tim” của đời sống Kitô hữu, nên «Bí tích Thánh Thể không thể bị đóng khung trong nhà thờ, nhưng phải trở thành “dự án đời sống” và nằm ở nền tảng của một linh đạo Thánh Thể đích thật». Chúa Giêsu đang ân cần chờ đợi ta, chúng ta hãy đến với Người:

  1. Hãy đến với Thánh Thể để cảm nếm sự Hiện Diện của Chúa.

Tình yêu đã thúc đẩy Thiên Chúa cao cả tự hủy đến cùng, hiện diện khiêm hạ trong Thánh Thể vì chúng ta và cho chúng ta. Cách tốt nhất để chúng ta ý thức và cảm nếm sự hiện diện của Chúa là sống với Chúa.

Có những lúc chúng ta cùng nhau chiêm ngắm và tôn thờ Chúa Thánh Thể, nhưng hãy tập có được những phút giây quỳ lặng một mình trước Thánh Thể, bởi cầu nguyện không nhất thiết phải nói nhiều mà là yêu mến nhiều. Sự thinh lặng từ môi miệng đến cõi lòng khi không nói, không xin, mà chỉ để được ở bên Chúa, để được Chúa phủ lấp ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Người. Cầu nguyện trong thinh lặng là để con tim tự do mở ra chiêm ngắm và lãnh nhận tình yêu, là cách thế tuyệt vời để cảm nhận sự hiện diện thân tình của Chúa với mỗi người! Đó là lúc chúng ta đang nghe Chúa ân cần bảo ta: “Hãy ở thinh lặng và lắng nghe, bây giờ con hãy nghỉ ngơi và để Cha hành động!”

Giữa xã hội náo động ngày nay, dành được mười lăm phút bên Chúa mỗi ngày đã khó, mà bỏ lại mọi lo âu để thanh thản hiện diện bên Chúa còn khó gấp bội. Nhưng đó là điều cần vì «Không có sự thinh lặng thì hầu như không thể sống đời sống thiêng liêng. Sự thinh lặng bắt đầu với việc dành một thời gian và không gian nào đó cho Chúa và chỉ cho một mình Chúa mà thôi. Nếu ta thực sự tin rằng Thiên Chúa không chỉ hiện hữu mà còn hiện diện sống động để chữa lành và hướng dẫn đời ta, thì ta cần phải sắp xếp một nơi tĩnh lặng, một giờ nhất định nào đó để chỉ quan tâm tới một mình Chúa (x. Mt 6,6)».

Vì «cảm thức về sự hiện diện của Chúa là một hồng ân Chúa ban, chứ không là kết quả do con người thủ đắc», nếu nỗ lực tập luyện, những khó khăn ban đầu sẽ được vượt thắng và rồi nhờ ơn Chúa, «Kỷ luật của sự thinh lặng cho phép ta dần dần đụng chạm được sự hiện diện đầy hy vọng của Thiên Chúa trong đời ta, và nếm cảm ngay từ bây giờ niềm vui và bình an thuộc về trời mới, đất mới».Một khi có được kinh nghiệm về Chúa, chúng ta sẽ thấy Chúa quý giá tuyệt đối và sẵn sàng đánh đổi tất cả để có Ngài. Sự cầu nguyện trong thinh lặng dần có sức lôi cuốn ta cách mãnh liệt, mang lại cho đời ta sự biến đổi và bình an diệu kỳ.

(còn tiếp)